CÂN NẶNG CỦA CON!
Con là một con Heo Vàng, ít ra là ba mẹ và ông bà đều bảo con là vậy. Ba mẹ và ông bà đều nói, Heo Vàng là quí lắm đó, vừa quí, vừa hiếm, nên ý đặt tên thế để con biết con được yêu thế nào, để mai mốt con không khổ (như con Trâu chẳng hạn), chỉ cần nằm ườn ra mà cũng có hưởng! Và các cô chú hàng xóm cũng thật sự không ai phản đối điều này (chứng tỏ điều này rất đúng, vì cái gì mà hơi sai tí là các cô chú hàng xóm phản đối dữ lắm kìa). Vì vậy, ngay từ lúc con sinh ra, con đã cảm thấy rất biết ơn và rất được thương yêu. Nhưng mà, sao từ từ, con cảm thấy áp lực quá đi à. Nhiều khi con tự hỏi hay là con thật sự là một con Heo hay sao đó. Càng lớn, con lại càng bị dòm ngó, càng bị véo mông, véo cẳng. Ba mẹ ông bà lại càng hay lắc đầu tặc lưỡi, rồi khiêng con lên cân nhiều lần quá con không đếm được luôn. Có khi trong một ngày, ba mẹ cân con mấy lần con cũng còn không đếm nổi nữa, nói chi là một tháng. Con mà tăng được 100 cà ram là ba mẹ mừng như kiếm được tiền, còn nhiều khi con đi ị, đi tè xong, mất mấy chục gram mà con thấy rất có lỗi vì ba mẹ thấy hụt hết mấy gram. Nhiều khi con không biết có nên đi tè với đi cầu không nữa ạ?! Lúc đầu, con rất ghét mấy số cân nặng của mình, vì vì nó mà ba mẹ ông bà đè con ra cho ăn, mặc dù con không thích. Nhưng từ từ, con cảm thấy quen với điều này, đến mức nhiều khi con không biết tại sao con mở miệng ra nuốt nữa kìa! Nhiều khi, con tự hỏi, kí lô của mình có thật sự như vàng không (như mọi người đều nói), và nếu nói như vậy, là mai mốt con có bị cân kí bán đi như con heo thật không ạ? Hay là con thật sự là MỘT CON HEO?
Chuyện cân nặng của trẻ nhỏ, dù chỉ là một con số đơn giản, nhưng lại là nguồn gốc gây đau thương, rối loạn cả một cân bằng quan hệ của cả một gia đình nhiều thế hệ. Nó là nguồn gốc của đa số các cãi vã, căng thẳng trong gia đình. Vợ chồng nhằn nhì nhau, mẹ chồng nhằn nàng dâu, bà ngoại nhằn con gái, bà ngoại ông ngoại nhằn bà nội ông nội (và ngược lại), ông nội bà nội nhằn con trai….Nhưng, trong tất cả các nhằn nhì đó, nạn nhân duy nhất, trung tâm duy nhất của các nhằn nhì này lại rất vô can: con trẻ trong gia đình. Nói thật sự, sự nhằn nhì này rất vô lý và không có một căn bản nào. Vì cho đến nay, khi được hỏi “Tại sao lại muốn cho con nó lên ký?”, thì không gia đình nào trả lời được cho hợp tình hợp lẽ. Câu trả lời thường gặp nhất là “Tại nó không lên ký em thấy lo quá à” – Tại sao lại lo? – không trả lời được. Lý do thứ hai là “Tại cái đứa hàng xóm kế bên nhìn nó lớn hơn con em quá à” – tự dưng có liên quan ghê gớm luôn. Lý do cùn nhất là “Tại nhìn nó tròn tròn thấy đã hơn” –vậy là cho ý thích cá nhân của người lớn thôi nhé, rất liên quan nhỉ. Chưa gia đình nào mà tôi gặp, ít nhất cho đến giờ phút này, cho được một câu trả lời thỏa đáng có liên quan đến lợi ích thiết thực cho chủ nhân của “cân nặng” cả.
Trở về câu hỏi “tại sao muốn cho con lên ký” – câu trả lời được chấp nhận , và ba mẹ ông bà nên làm quen, sẽ là “để giúp cho trẻ được tăng trưởng một cách tối ưu”. Vậy tăng trưởng cân nặng tối ưu là gì? Là cân nặng phù hợp với tuổi của bé, giúp phát triển hệ cơ xương và não bộ một cách lý tưởng nhất trong môi trường bé sống. Với định nghĩa và mục tiêu này, vấn đề cân nặng sẽ được đơn giản hóa một cách rất vẹn toàn. Vì sao? Vì đã có những giá trị cân nặng tham khảo cho từng lứa tuổi, và có biểu đồ tăng trưởng về cân nặng – chiều cao cho ba mẹ và bác sĩ tham gia đối chiếu và theo dõi. Hiện nay, đa số các nơi trên thế giới sử dụng biểu đồ tăng trưởng của Tổ Chức Y Tế thế giới – WHO làm giá trị tham khảo và công cụ theo dõi tăng trưởng của trẻ từ lúc sinh đến 5 tuổi, và sử dụng biểu đồ tăng trưởng của CDC – một tổ chức y tế của Mỹ, cho trẻ từ 2 tuổi đến 18 tuổi.
Một điều cần lưu ý, và rất quan trọng, là từ 2 tuổi trở đi, tăng trưởng của trẻ không còn dựa vào từng giá trị đo đạc như cân nặng đơn thuần nữa, mà dựa vào BMI (chỉ số cân nặng theo chiều cao) của trẻ. Vì BMI mới phản ánh được chính xác tính tăng trưởng đồng thuận tối ưu của cơ thể trẻ.
Hiện nay tại Việt Nam, xu hướng thích trẻ tròn tròn, mập mập (hoặc rất mập) cho “đã nhìn” rất phổ biến, và mang nhiều nguy hiểm tiềm tàng về sau cho chính trẻ. Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy rõ ràng, rằng, dư cân và béo phì trong giai đoạn trẻ em không mang lợi ích gì, mà mang lại rất nhiều vấn đề về sức khỏe, tâm sinh lý của bản thân trẻ, và những vấn đề bất lợi này sẽ theo trẻ trong suốt cuộc đời.
Bất lợi ngắn hạn, là trẻ béo phì hoặc dư cân, thường rơi vào nhóm trẻ mất tự tin, rất tự ti, không có cái nhìn tích cực vào hình ảnh (béo) của bản thân, và dễ bị vấn đề hòa đồng trong lớp học và xã hội. Những trẻ này cũng dễ bị suyễn, các bệnh nội tiết, và các bệnh tim mạch hơn.
Trẻ dư cân béo phì có nguy cơ cao trở thành những người lớn dư cân, béo phì, và dễ bị những bệnh mãn tính liên quan đến việc thừa cân sớm hơn, và tử vong vì những bệnh này sớm hơn. Những vấn đề thường đi song song với béo phì bao gồm:
• Tâm lý: dễ bị trầm cảm, không tự tin, rối loạn ăn uống, rối loạn nhận thức hình ảnh cơ thể
• Vấn đề sinh sản: chu kỳ kinh không đều, các bệnh lý có thể làm giảm khả năng sinh sản.
• Tim mạch: cao huyết áp, cao mỡ máu, và những bệnh tim mạch khác
• Nội tiết: nguy cơ bệnh tiểu đường
• Hô hấp: suyễn, ngáy, khó thở, không tập thể dục được
• Cơ xương: bệnh về khớp (đặt biệt là khớp hông)
• Tiêu hóa: gây mỡ trong gan, suy giảm chức năng của gan.
• Tâm lý: dễ bị trầm cảm, không tự tin, rối loạn ăn uống, rối loạn nhận thức hình ảnh cơ thể
• Vấn đề sinh sản: chu kỳ kinh không đều, các bệnh lý có thể làm giảm khả năng sinh sản.
• Tim mạch: cao huyết áp, cao mỡ máu, và những bệnh tim mạch khác
• Nội tiết: nguy cơ bệnh tiểu đường
• Hô hấp: suyễn, ngáy, khó thở, không tập thể dục được
• Cơ xương: bệnh về khớp (đặt biệt là khớp hông)
• Tiêu hóa: gây mỡ trong gan, suy giảm chức năng của gan.
Một vấn đề cần lưu ý nữa, là trẻ béo tròn thường cao hơn trẻ roi roi cả một cái đầu, và làm nhiều ba mẹ ông bà tưởng lầm là con cháu mình phát triển tốt quá, là mình đi đúng hướng, rồi lại đâm đầu vào vỗ béo cho trẻ hơn. Nhìn vậy chứ không phải vậy. Khi cân nặng của trẻ vượt mức bình thường, hệ xương của trẻ BẮT BUỘC phải ráng dài ra, để chống đỡ cho những kí lô dư thừa này, để trẻ có thể tự thân di chuyển được. Tức là, hệ xương phải trưởng thành nhanh hơn qui định. Tuy nhiên, khi đến giai đoạn tăng tốc tăng trưởng ở tuổi dậy thì, cơ xương của những trẻ này đã “mệt”, và “hết hơi” nên trẻ béo phì không thể tăng chiều dài xương nhanh bằng những trẻ roi roi, và kết quả là, sau giai đoạn dậy thì, chiều cao của cả hai nhóm dân số trẻ thừa cân béo phì và trẻ roi roi đều như nhau cả.
Béo phì cũng là một yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến nội tiết tố tăng trưởng. Béo phì gây dậy thì sớm ở trẻ gái, và tăng nguy cơ bệnh đa nang buồng trứng, gây giảm khả năng sinh sản ở nữ giới. Ở trẻ nam, nghiên cứu cũng cho thấy thời gian dậy thì của trẻ cũng bị ảnh hưởng bởi béo phì….
Vậy thì, THẬT SỰ TẠI SAO BẠN LẠI MUỐN CON BẠN TĂNG CÂN?!!!!!
Hy vọng, bài viết này sẽ làm thay đổi quan điểm của ba mẹ ông bà về cân nặng của con trẻ. Đừng biến việc nuôi dạy con trẻ thành một thỏa mãn cá nhân theo định kiến chung một cách phản khoa học. Vì thực hành này rất có thể là một bản án đày đọa tâm sinh lý mà bạn vô hình chung ép trẻ phải chịu đựng trong suốt cuộc đời. Điều này rất gây hại, và không công bằng cho trẻ. Nếu thực sự lo lắng về vấn đề cân nặng/thấp cân của trẻ, hãy tư vấn nhân viên y tế! Hãy dành thời gian cho những việc khác vui vẻ và ý nghĩa hơn!!!
Bs. Huyên Thảo.
Nguồn tham khảo:
Overweight and obesity – Royal children’s hospital guidelines
Preventing overweight and obesity – Centre for community child health , Australia, 2006.
Update on statural growth and pubertal development in obese children; Paediatric reports, 2012, volum 4:e35
Overweight and obesity – Royal children’s hospital guidelines
Preventing overweight and obesity – Centre for community child health , Australia, 2006.
Update on statural growth and pubertal development in obese children; Paediatric reports, 2012, volum 4:e35
Đăng nhận xét