Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục An toàn thực phẩm TP HCM hướng dẫn cách lựa chọn thực phẩm an toàn như sau:
Nguyên tắc đầu tiên là mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng ở những nơi đã được nhà nước kiểm soát và có chứng nhận như quầy, sạp trong chợ, cửa hàng, siêu thị...
- Ưu tiên sản phẩm có bao gói, nhãn mác, bán ở địa điểm kinh doanh sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh thú y (thịt gia súc để trong tủ mát, thịt gia cầm trong tủ bảo ôn), nơi có uy tín về chất lượng, có niêm yết giá theo quy định.
- Hạn chế các sản phẩm chế biến sẵn hoặc xay nhuyễn vì nguy cơ sử dụng chất tẩy trắng, chất bảo quản và hàn the rất cao.
- Thịt heo sạch quan sát sẽ thấy khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều, khi chế biến có mùi thơm, không bị ra nước.
- Heo nuôi bằng thức ăn chứa hóa chất thì da có độ căng, trương mỏng, ứ nước bên trong, bề mặt có đốm đỏ. Heo siêu nạc có phần nạc gần sát với da, có nhiều cục nạc u lên, mỡ ít và chỉ mỏng khoảng 0,4 cm, thịt có màu đỏ như thịt bò.
- Thịt có tẩm ướp hàn the, muối diêm quan sát thấy rất tươi, cứng nhưng khô, thớ thịt săn, không dính. Khi cắt sâu vào bên trong, thịt khá nhũn, chảy dịch, có mùi, độ đàn hồi kém.
- Quan sát lớp mỡ dưới da để phân biệt: heo siêu nạc ăn hóa chất nên lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến một cm, trong khi lớp mỡ của thịt heo bình thường khoảng 1,5 đến 2 cm.
- Màu sắc: Thịt heo chứa các độc chất thường có màu đỏ tươi khác thường, sáng và bóng.
- Thái miếng thịt ra từng đoạn dày bằng 2-3 ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn rất có thể đó là heo được nuôi bằng chất tăng trọng.
- Quan sát liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, thì đó là thịt siêu nạc.
Tác giả: Trần Ngoan; VNExpress
Thịt siêu nạc có lớp mỡ dưới da rất mỏng (ảnh 1,2, 3), trong khi miếng thịt bình thường có nhiều mỡ và lớp mỡ dưới da dày hơn (ảnh 4).
Đăng nhận xét